Bệnh sỏi thận là căn bệnh phổ biến về đường tiết niệu với hơn 10% dân số mắc phải hiện nay. Sỏi thận hình thành do sự lắng đọng các chất khoáng trong nước tiểu ở thận, lâu ngày kết tinh lại tạo thành chất rắn đó chính là những viên sỏi.
Lượng nước tiểu ít
Lượng nước tiểu ít là nguy cơ chính gây nên bệnh sỏi thận. Tình trạng này có thể do cơ thể mất nước vì làm việc nặng, tập thể dục cường độ cao, sinh sống ở những nơi có khí hậu khô nóng hoặc không uống đủ nước. Khi lượng nước tiểu ít sẽ dẫn đến việc cơ thể có ít nước hơn để hòa tan muối dẫn đến lắng đọng natri và hình thành sỏi thận. Uống đủ nước sẽ làm loãng muối trong nước tiểu và giảm nguy cơ hình thành sỏi.
Chế độ ăn uống
Ăn nhiều muối: Muối là loại gia vị được nêm vào tất cả các món ăn hàng ngày. Ăn quá nhiều muối, gây tăng đào thải natri, kéo theo các ion canxi cũng tăng tại ống thận. Nồng độ canxi quá cao sẽ tạo điều kiện hình thành các loại sỏi: canxi oxalat, canxi photphat, canxi carbonat.
Chế độ ăn giàu protein động vật: như thịt bò, cá, thịt gà và thịt lợn, làm giảm pH nước tiểu, tăng bài tiết canxi, giảm hấp thu citrate gây nên sỏi. Ngoài ra, ăn quá nhiều đạm làm tăng nồng độ uric máu, trường hợp nhẹ có thể gây lắng đọng uric tại thận gây nên sỏi uric.
Các thực phẩm chứa nhiều oxalat: trà đặc, cà phê, socola, bột cám, ngũ cốc, rau muống, cải xoăn sò, ốc…, ăn các thức ăn giàu oxalate với số lượng lớn có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Oxalate trong nước tiểu kết hợp với canxi sẽ hình thành sỏi thận canxi-oxalat.
Các thực phẩm chứa nhiều purin như hải sản, nội tạng động vật, thịt xông khói, men làm bánh. Một lượng lớn purin trong cơ thể sẽ làm tăng lượng acid uric trong nước tiểu và dẫn đến sỏi thận acid uric.
Béo phì
Theo một nghiên cứu được đăng lên tạp chí The American Medical Association của Eric N. Taylor và cộng sự đã chỉ rõ mối liên hệ giữa béo phì và bệnh sỏi thận. Tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận tăng hơn ở người có chỉ số BMI (chỉ số khối của cơ thể) cao và kích thước vòng eo cao hơn bình thường.
Vì vậy, việc kiểm soát cân nặng giúp giảm nguy cơ sỏi thận và phòng cho sỏi thận không tăng thêm.
Bổ sung vitamin C và Canxi không đúng cách
Uống bổ sung Vitamin C hằng ngày, trong suốt thời gian dài có thể dẫn đến thừa vitamin C, vitamin C sẽ chuyển hóa thành oxalat đào thải ra ngoài tại thận . Và cũng tương tự như khi uống Canxi không đúng chỉ định và uống quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thừa canxi gây ức chế việc hấp thu các chất khác như sắt và kẽm, từ đó sẽ làm cho cơ thể có nguy cơ thiếu hai chất này. Mặt khác, thừa canxi còn gây quá tải cho thận và tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận.
Mắc một số bệnh đường tiêu hóa
Một số trường hợp bị tiêu chảy, viêm loét đại tràng hay phẫu thuật dạ dạy, ruột có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận Oxalat Canxi. Tiêu chảy sẽ làm giảm một lượng lớn chất lỏng từ cơ thể, đồng thời làm giảm lượng nước tiểu. Lúc này cơ thể sẽ hấp thu oxalate quá mức từ ruột, làm tăng oxalte trong nước tiểu. Lượng nước tiểu ít và nồng độ oxalate trong nước tiểu tăng cao sẽ là điều kiện thuận lợi để hình thành sỏi thận Oxalat Canxi.
Một số bệnh về đường tiết niệu
Dị dạng đường tiểu hoặc một số bệnh đường tiểu làm cản trở lưu thông nước tiểu gây ứ đọng tạo nên sỏi (dị dạng, u, sỏi bàng quang, u xơ, viêm tiền liệt tuyến). Sỏi thận có thể do nhiễm khuẩn đường tiểu (viêm thận, viêm bàng quang, niệu đạo,…). Sỏi bàng quang, sỏi niệu quản có thể gây nhiễm khuẩn ngược dòng gây nhiễm khuẩn thận, từ đó có thể tạo điều kiện cho sự hình thành sỏi thận.
Di truyền
Có đến gần 25% tỷ lệ mắc sỏi thận là do gen. Do vậy, những người có người thân trong gia đình mắc bệnh sỏi thận sẽ có nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn người bình thường.
Với những nguyên nhân được đề cập trên đây, bạn đọc có thể tìm ra cho mình cách phòng ngừa bệnh hiệu quả và an toàn nhất. Chúc bạn đọc luôn có nhiều sức khoẻ.
Bình luận (0)