1. Nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ
1.1. Các nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ được chia thành 2 nhóm: Gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu (đến từ các rối loạn chuyển hóa).
Bia rượu là nguyên nhân phổ biến nhất nhất dẫn tới gan nhiễm mỡ. Rượu bia sẽ làm giảm oxy hóa axit béo ở ngoài gan dẫn tới suy giảm chức năng gan. Hơn nữa, chế độ dinh dưỡng ở người uống nhiều rượu bia thường rất kém, điều này sẽ hạn chế quá trình tổng hợp lipoprotein, ức chế sự thải mỡ ở gan và làm tăng khả năng nhiễm mỡ ở gan.
Về nguyên nhân gan nhiễm mỡ không do rượu, thường xuất phát từ các rối loạn chuyển hóa và một số nguyên nhân thường gặp như:
– Khi cơ thể sản sinh mỡ quá nhiều hoặc chuyển hóa mỡ không kịp thì lượng mỡ thừa đó sẽ có xu hướng tích trữ trong các tế bào gan. Trường hợp này thường gặp ở người béo phì, thừa cân.
– Do ảnh hưởng từ các bệnh lý như mỡ máu cao, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,..
– Tình trạng kháng insulin; Gene di truyền; Sút cân đột ngột và quá nhanh.
– Tác dụng phụ của thuốc Tây y hoặc việc lạm dụng sử dụng thuốc quá liều quy định,…
1.2. Đối tượng nào có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao?
Theo một nghiên cứu, đa số các trường hợp bị gan nhiễm mỡ nằm trong độ tuổi từ 40 đến 60 và thường ở gặp ở các đối tượng như sau:
– Lượng cholesterol, triglyceride có trong máu tăng cao;
– Người béo phì, béo bụng;
– Người bệnh đái tháo đường;
– Hội chứng ngừng thở khi ngủ;
– Người bệnh suy giáp, suy tuyến yên;
– Phụ nữ mang thai;
– Người suy dinh dưỡng…
Việc hiểu về nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ để có phương án đối phó và xử lý bệnh hiệu quả. Đồng thời, từ đây bạn cũng có thể lý giải được vì sao sẽ không có phương thức điều trị gan nhiễm mỡ tốt tốt hơn là một chế độ ăn và lối sống khoa học.
2. Chế độ ăn uống trong điều trị gan nhiễm mỡ
Mục đích của việc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ là làm giảm hàm lượng mỡ trong gan. Người bệnh nên ăn và nên tránh những thực phẩm như sau:
2.1. Người bệnh điều trị gan nhiễm mỡ nên ăn gì?
– Rau xanh, hoa quả tươi sẽ giúp bổ sung đủ chất xơ và các loại vitamin tốt cho cơ thể. Chất xơ giúp kích thích nhu đường ruột, tránh táo bón, phòng chống xơ vữa động mạch. Các loại vitamin A và E có tác dụng quan trọng trong việc tránh tích tụ mỡ trong gan.
– Lựa chọn đúng loại protein: Các protein tốt cho người bệnh gan nhiễm mỡ với mục đích duy trì cân nặng, giảm cân, giảm mỡ mà vẫn đảm bảo năng lượng cần thiết cho cơ thể. Thịt gia cầm, lòng trắng trứng, cá, hải sản, đậu nành và các loại họ đậu,.. là những nguồn protein mà người bệnh nên lựa chọn.
– Sữa ít béo và các sản phẩm từ sữa ít béo: Sữa chua, phô mai là 2 sản phẩm điển hình nên được bổ sung trong thực đơn của người bệnh gan nhiễm mỡ.
– Những thức uống có lợi cho gan: Những thức uống như atiso, trà lá sen, trà nụ vối,.. có tác dụng thanh lọc cơ thể, thanh nhiệt đồng thời giúp chống tích tụ mỡ ở gan.
2.2. Người bệnh điều trị gan nhiễm mỡ nên kiêng ăn gì?
– Hạn chế chất béo nhất là mỡ động vật: Gan là nơi tiếp nhận và xử lý các loại mỡ động vật. Do đó, nếu dung nạp quá nhiều mỡ động vật sẽ tạo gánh nặng cho gan. Gan không thể bài tiết hết mỡ, dẫn đến tích tụ mỡ tại gan.
– Tránh những thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng,… Cholesterol là 1 sản phẩm trong quá trình tổng hợp chất béo. Việc giảm tiêu thụ các loại thực phẩm này đồng nghĩa sẽ giúp giảm lượng chất béo trong gan.
– Giảm tiêu thụ thịt đỏ: Sử dụng nhiều thịt đỏ như thịt lợn, bò, trâu,.. sẽ khiến bệnh gan nhiễm mỡ ngày một trở nên nghiêm trọng hơn.
– Kiêng các loại gia vị cay nóng: Đồ ăn cay nóng sẽ làm giảm chức năng gan, gan không thể bài tiết chất béo mà sẽ tích tụ lại khiến tình trạng bệnh thêm nặng hơn.
– Kiêng tuyệt đối đồ uống chứa cồn hoặc chất kích thích: Đây là nhóm thực phẩm cấm kỵ hàng đầu với người bệnh gan nhiễm mỡ. Uống rượu bia sẽ làm thúc đẩy quá trình gan nhiễm mỡ phát triển thành xơ gan thậm chí có thể là ung thư gan.
3. Lối sống lành mạnh cho người bệnh gan nhiễm mỡ
Bên cạnh một chế độ ăn khoa học, người bệnh gan nhiễm mỡ cần kết hợp một lối sống lành mạnh để mang đến hiệu quả điều trị bệnh là tốt nhất.
3.1. Nói không với rượu bia
Rượu bia được coi là khắc tinh của bệnh gan nhiễm mỡ. Kể cả với người chưa bị gan nhiễm mỡ cũng cần hạn chế loại thức uống này. Nói không với rượu bia bằng cách cai rượu, từ chối các cuộc nhậu nhẹt, thay rượu bằng các đồ uống có lợi khác như trà hoa quả, sinh tố hay chỉ cần là nước lọc.
3.2. Tập luyện thể thao đều đặn
Việc luyện tập thể dục thể thao có thể cắt giảm đáng kể lượng chất béo trong gan. Một số bài tập cường độ cao như nâng tạ, squat còn có tác dụng giảm viêm và cải thiện tình trạng bệnh.
Đặt mục tiêu tập thể dục điều độ và tăng dần cường độ từ trung bình đến cao. Người bệnh hãy duy trì 30 đến 60 phút trở lên và đều đặn trong ít nhất 5 ngày/tuần để có một sức khỏe tốt và nhanh chóng đẩy lùi gan nhiễm mỡ.
3.3. Không để tình trạng thừa cân
Có thể bạn không biết, chỉ giảm 5% trọng lượng cơ thể đã có thể làm giảm đáng kể lượng chất béo trong gan. Theo đó, việc giảm từ 7-10% trọng lượng cơ thể sẽ giúp giảm viêm và giảm tỷ lệ tổn thương cho các tế bào gan.
Tuy nhiên, việc giảm cân cần tiến hành đúng cách, giảm cân an toàn. Tránh trường hợp giảm cân bằng thuốc, giảm cân đột ngột nhanh chóng vì điều này không những không giúp cải thiện tình trạng bệnh mà còn gây thêm nhiều ảnh hưởng xấu tới gan.
Như vậy, điều trị gan nhiễm mỡ không khó nếu người bệnh biết cách điều chỉnh chế độ ăn khoa học cùng lối sống điều độ. Bên cạnh đó, người bệnh gan nhiễm mỡ cũng cần thực hiện việc thăm khám để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất.
Bình luận (0)